“Vợ hay chồng là người giữ tiền” - Chủ đề không mới nhưng luôn “nóng hổi” với mỗi gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ. Theo bạn, ai nên là người quản lý tài chính trong gia đình? Cùng tìm hiểu với Jeff nhé!
Trong văn hóa Châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng, phần lớn phụ nữ là người chăm lo cho tài chính gia đình. Các chị em sẽ nắm giữ tài chính, kiểm soát thu chi và các vấn đề chi tiêu trong gia đình. Lý do có thể là vì các chị em giỏi sắp xếp, vun vén và khéo léo trong chuyện tiền nong, hiếm khi mua sắm mà không suy nghĩ như các anh.
Tuy nhiên, đó không phải “công thức” và áp dụng cho tất cả mọi người, đặc biệt là với các gia đình trẻ. Có nhiều gia đình, các chị em lại là người chi tiêu mạnh tay, “ghiền” mua sắm và tận hưởng cuộc sống. Khi ấy, các anh sẽ là người lo tài chính cho gia đình.
Việc quyết định ai là người quản lý tài chính gia đình ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ. Làm thế nào để chi tiêu chung của cả nhà ổn định dựa vào thu nhập của mỗi thành viên và vẫn giữ được những chi tiêu cần thiết cho cá nhân? Ai nên là người giữ trách nhiệm quản lý tài chính gia đình?
Câu trả lời là tuỳ thuộc vào từng gia đình sẽ có đáp án riêng!
Điều quan trọng không phải ai là người quản lý tiền, mà là cách giữ và chi tiêu hợp lý. Các cặp vợ chồng nên ngồi lại và cùng bàn bạc, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất cho tài chính của gia đình.
Đây là cách thức mà mỗi người trong gia đình sẽ chủ động quản lý chi tiêu và đóng góp vào quỹ chung của gia đình, dùng để chi trả cho tất cả các chi phí.
Với phương pháp này, mọi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm với mọi khoản chi tiêu và có ý thức chăm sóc cho tổ ấm của mình, đồng thời vẫn giữ được tự do chi tiêu cá nhân.
Ngoài ra, cách này sẽ hạn chế suy nghĩ đối phương kiểm soát chi tiêu của mình. Trong trường hợp cấp bách, mọi thành viên trong gia đình đều có khoản tiền riêng để giải quyết, tránh suy nghĩ “một người giữ quá nhiều tiền sẽ… sinh thói hư tật xấu”.
Phương pháp này cần thống nhất ai sẽ là người giữ quỹ chung. Người có trách nhiệm giữ tài chính chung cần là người logic, có khả năng tính toán, không dễ bị “dụ” bởi những lời mời gọi mua sắm, chương trình khuyến mãi. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình cần có niềm tin với nhau và có trách nhiệm với gia đình. Mọi người cần thông báo cho nhau về các khoản thu nhập, đồng thời hỗ trợ đối phương khi có những phát sinh trong cuộc sống. Không nên để vấn đề tài chính ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình.
Tương tự như cách trên là mỗi thành viên trong gia đình đều có khoản tiền riêng, tuy nhiên, với phương pháp này thì ai có nhiệm vụ chi trả khoản nào, sẽ lo khoản đó. Ví dụ, người vợ lo các khoản chi tiêu như tiền sinh hoạt, tiền điện, nước; người chồng lo tiền học cho con và các phát sinh như sửa nhà, chăm lo cho gia đình nội, ngoại.
Phương pháp này giúp mỗi thành viên tự kiểm soát chi tiêu của mình mà vẫn có thể chi trả cho sinh hoạt chung. Tuy nhiên, cách này sẽ khiến các thành viên thiếu sự liên kết và gắn bó, đồng thời khó thông cảm cho đối phương, trong trường hợp các khoản thu chi bị chênh lệch.
Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ với nhau về mức thu nhập của đối phương, đặc biệt là giữa vợ chồng. Bên cạnh thu nhập cố định hàng tháng, liệu bạn có nắm được những khoản thu khác của đối phương đến từ kinh doanh, đầu tư? Trước khi "về chung một nhà", việc chi tiêu là của cá nhân, nhưng khi đã lập gia đình và phải lo cho nội - ngoại, việc hiểu rõ thu nhập của nhau không chỉ giúp gia đình quản lý chi tiêu tốt hơn, mà còn có thể cùng nhau tích lũy và sử dụng tài chính hiệu quả.
Quỹ dự phòng có thể của cá nhân mỗi người, hoặc quỹ dự phòng chung, phòng trường hợp khẩn cấp như dịch bệnh, các vấn đề về sức khoẻ hoặc người thân trong gia đình cần mượn một khoản tiền. Khi đó, gia đình vẫn có thể kiểm soát tài chính mà không ảnh hưởng tới chi tiêu hàng ngày.
Việc theo dõi chi tiêu cẩn thận giúp các thành viên trong gia đình kiểm soát được nguồn tiền của mình nói riêng và cho gia đình nói chung. Thu nhập càng nhiều, càng phải kiểm tra kĩ, đặc biệt là với các gia đình có đầu tư hoặc kinh doanh. Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ theo dõi tài chính, hoặc bạn có thể theo dõi ngay qua các ví điện tử hoặc e-banking có chức năng tiết kiệm và quản lý chi tiêu.
Bạn không cần phải quá khắt khe trong chi tiêu hàng ngày, hoặc bám sát vào kế hoạch chi tiêu tuyệt đối. Điều đó dẫn đến tình trạng "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành". Thỉnh thoảng, một chút "tự thưởng" cho các thành viên sẽ gắn kết tình cảm hơn, như một bữa ăn ngon, một chuyến du lịch nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc vất vả. Miễn là, các khoản chi tiêu gia đình đó không bị vượt quá ngân sách và được kiểm soát hiệu quả.
Những bất đồng trong cuộc sống gia đình là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi liên quan đến tài chính và chi tiêu.
Vì vậy, các thành viên trong gia đình cần chia sẻ và có sự trao đổi rõ ràng về tài chính. Mỗi thành viên có thể chia sẻ về cách quản lý chi tiêu cá nhân, từ đó cùng nhau xây dựng tài chính gia đình hiệu quả.