Nhiều tổ chức tín dụng đã áp dụng tiêu chuẩn xét điểm tín dụng để duyệt hồ sơ vay, thay vì chỉ đơn thuần dựa vào tài sản thế chấp hay thu nhập. Đây là hệ thống chấm điểm có liên kết với tất cả các tổ chức tín dụng trong nước, với thông tin được lưu trữ lên đến hơn 5 năm. Mọi thông tin liên quan đến quá trình chi trả và sử dụng các khoản vay của người vay đều được lưu lại. Nếu điểm tín dụng của bạn không cao, hãy thử kiểm tra xem mình có mắc phải các lỗi dưới đây và cải thiện kịp thời để tiếp cận nguồn vay nhé.
Nợ quá hạn là khoản nợ khi người vay chưa thanh toán tiền gốc và lãi đúng theo thời hạn ghi trên hợp đồng cho tổ chức tín dụng. Thông thường, các tổ chức tín dụng có thể linh động thời gian từ 1 – 3 ngày cho người vay đóng trễ, tuy nhiên khi khách hàng vượt qua mốc thời gian này thì khoản nợ quá hạn sẽ phát sinh.
Các khoản nợ quá hạn sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người vay và tổ chức đó. Ngoài ra, nếu lịch sử tín dụng có các khoản nợ quá hạn, người vay sẽ gặp nhiều khó khăn với các khoản vay khác trong tương lai.
Trả nợ đúng hạn là yếu tố quan trọng nhất khi tính điểm tín dụng. Vì vậy, việc trả nợ quá hạn sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng, đồng thời, lịch sử tín dụng xấu đó cũng được ghi lại trong nhiều năm và khó có thể cải thiện trong thời gian ngắn.
Vì vậy, bạn nên có kế hoạch trả nợ với thời gian cụ thể và đặt lịch nhắc nợ hàng tháng, để đảm bảo rằng khoản nợ luôn được trả đủ và đúng hạn Ngoài ra, bạn không nên vay hộ người khác, vì bạn sẽ không chủ động được tiến độ chi trả.
Người vay thường có xu hướng tạo thêm các khoản vay mới nếu như các khoản vay trước đó chưa đủ đáp ứng những nhu cầu tài chính. Các khoản vay mới có thể phát sinh dưới nhiều tình huống khác nhau như mua sắm, vay vốn đầu tư.
Việc "ngụp lặn" trong guồng quay của vay và trả liên tục sẽ khiến bạn không chỉ mệt mỏi chạy đua theo các kỳ hạn nợ vay mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính trong tương lai cũng như hiệu suất của kế hoạch trả nợ vay hiệu quả.
Mỗi lần bạn đăng ký một khoản nợ mới, bạn sẽ mất điểm trong tổng điểm tín dụng của mình. Càng nhiều khoản nợ thì mức độ rủi ro mà người vay không thể trả càng tăng. Đặc biệt, nếu bạn nộp hồ sơ vay hay mở thẻ liên tục trong 6 tháng đến 1 năm đổ lại, điểm tín dụng của bạn chắc chắn sẽ xuống thấp. Vì vậy, nếu điểm tín dụng của bạn bị hạ vì lý do này, bạn nên dừng việc mở những khoản vay mới hoặc giãn cách thời gian vay vốn.
Hạn mức tín dụng là số tiền mà ngân hàng phát hành thẻ tín dụng duyệt cấp cho bạn sử dụng. Số tiền này phụ thuộc vào điều kiện mở thẻ khi khách hàng khai báo với ngân hàng. Điều kiện tài chính càng tốt thì hạn mức thẻ càng cao.
Ngân hàng có những chính sách ban hành để đảm bảo cấp hạn mức tín dụng phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Việc cấp thẻ tín dụng của ngân hàng còn phải kiểm soát được tình trạng chi trả sau khi sử dụng của khách hàng.
Theo chính sách hạn mức thẻ Visa hay Mastercard hiện nay, việc ban hành hạn mức là để khống chế và điều tiết lượng sử dụng nguồn tiền từ phía ngân hàng, đặc biệt là trong trường hợp khách hàng có thói quen có bao nhiêu, dùng bấy nhiêu.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn sẽ vẫn có những trường hợp ngoại lệ, cho phép dùng thẻ tín dụng vượt hạn mức tín dụng được cấp khi phát hành thẻ. Định mức này tuỳ thuộc vào từng ngân hàng, có những thẻ tín dụng được vượt thêm 1 đến 2 triệu đồng.
Mặc dù vậy, việc thường xuyên dùng hết hạn mức thẻ tín dụng cũng khiến điểm tín dụng của bạn có nguy cơ bị hạ thấp, tương đương với trả nợ trễ hạn. Vì vậy, bạn nên kiểm soát thẻ tín dụng của mình, cố gắng không dùng quá 70% hạn mức thẻ và duy trì đều đặn hàng tháng. Nếu bạn có khoản tiền cần trả gấp trong tháng đó và dùng hết hạn mức, hãy cố gắng chi tiêu thấp lại vào các tháng sau để lịch sử tín dụng bạn được cân bằng.
Thật kỳ lạ khi bạn chi tiêu trong kiểm soát nhưng điểm tín dụng của bạn đột nhiên bị thấp đi, phải không? Rất có khả năng thông tin tín dụng của bạn đã bị đánh cắp và sử dụng cho những khoản vay nóng. Vì vậy, bạn nên tập thói quen kiểm tra báo cáo tín dụng của mình hàng tháng để kịp thời khắc phục việc này. Khi phát hiện sự việc bất thường, hãy thông báo ngay với cơ quan chủ quản thông tin tín dụng và yêu cầu bản báo cáo hoạt động tín dụng để phát hiện ngay.
Cũng có tình huống hy hữu khi tên bạn trùng với người khác và cơ sở dữ liệu tín dụng bị nhầm lẫn. Dù là bị đánh cắp hay nhầm lẫn, hành động thông báo kịp thời là cần thiết để tránh lịch sử tín dụng bạn bị điểm xấu kéo dài.
Báo cáo điểm tín dụng của bạn không chỉ chứa những thông tin tài chính, mà còn bao gồm thông tin từ các kho thông tin dữ liệu của của các bộ ngành như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Công an. Trong trường hợp người vay có những hành vi vi phạm pháp luật, hồ sơ tín dụng của họ cũng sẽ thể hiện những thông tin này và nguy cơ bị hạ điểm là rất cao.