Hành động bảo lãnh là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh. Vì vậy, khi giải quyết vấn đề vay vốn cho khách hàng, tổ chức tín dụng, ngân hàng thường yêu cầu người vay không có tài sản hoặc quá tuổi lao động phải có người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hoặc đưa tài sản của người bảo lãnh ra bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Tại Điều 339, Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, trong trường hợp bên này không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Do đó, khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
Tùy vào hợp đồng bảo lãnh để xác định thời hạn cũng như phạm vi chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo lãnh của người bảo lãnh. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể, khi hợp đồng vay tiền đến hạn thực hiện, người được bảo lãnh không có khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng thì người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm với phần gốc và cả phần lãi của nghĩa vụ vay tiền.
Ngoài ra, đối với tài sản bảo đảm, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì tài sản bảo đảm được định giá theo quy định tại Điều 306, Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong trường hợp thế chấp tài sản để bảo đảm tiền vay mà người được bảo lãnh và người bảo lãnh không có khả năng trả nợ gốc và lãi thì tài sản bảo đảm sẽ được bán để trả nợ. Như vậy, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm, hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.
Với trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản. Việc định giá tài sản phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường. Đồng thời, việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận giữa các bên.
Ngoài ra, Điều 340 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, người bảo lãnh có quyền yêu cầu người được bảo lãnh thanh toán lại số tiền mình đã thực hiện nghĩa vụ thay. Tuy nhiên, việc đòi lại tiền từ người được bảo lãnh gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định dùng tài sản của mình để bảo đảm cho người khác.