Điểm tín dụng là chỉ số mà thông qua đó các ngân hàng và công ty tài chính có thể đánh giá được uy tín của người vay. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để các tổ chức tín dụng quyết định có xét duyệt khoản vay hay không. Theo đó, lịch sử vay của khách hàng sẽ được Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) ghi nhận và cập nhật trong vòng từ 3 - 5 năm. Các ngân hàng, công ty tài chính trước khi cho vay sẽ tìm hiểu thông tin tín dụng của khách hàng trên hệ thống này thông qua việc phân tích các dữ liệu có trong hồ sơ tín dụng, từ đó đánh giá uy tín, mức độ tín nhiệm của khách hàng để xếp hạng điểm tín dụng.
Việc căn cứ vào điểm tín dụng sẽ giúp các ngân hàng, các công ty tài chính xác định những khách hàng có đủ điều kiện để vay, mức lãi suất và hạn mức tín dụng. Nếu khách hàng có lịch sử trả nợ vay tốt sẽ dễ dàng được cho vay. Ngược lại, nếu khách hàng thường xuyên trễ hạn trả nợ thì việc xét duyệt khoản vay cũng sẽ khó khăn hơn.
Xếp hạng tín dụng tại Việt Nam được Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đánh giá theo các mức từ thấp đến cao, bao gồm B, BB, BBB, A, AA, AAA. AAA là mức tín dụng cao và ít rủi ro nhất và thủ tục xét duyệt các hồ sơ vay ở hạng mức này sẽ dễ dàng được thông qua hơn.
Để tránh rơi vào nhóm tín dụng xấu, người vay nên chọn khoản vay phù hợp với khả năng tài chính của mình, đảm bảo chi phí trả nợ không quá 50% thu nhập mỗi tháng để duy trì được việc trả nợ.
Ngoài ra, người vay nên kiểm soát các khoản vay của mình, tính toán kỹ xem khoản tiền mà mình cần trả cho khoản vay này mỗi tháng là bao nhiêu và liệu khoản thu nhập hàng tháng của bạn có đủ để chi trả hay không. Không nên bắt đầu bất kỳ khoản vay nào trước khi tính toán và lên kế hoạch kỹ lưỡng, vì việc thanh toán trễ hạn không chỉ làm bạn phải trả thêm tiền lãi suất mà còn gây ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của bạn nữa.
Người vay nên cố gắng thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ và khoản phạt (nếu có). Lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ được CIC lưu trữ, quản lý và đánh giá lại sau 3 đến 5 năm một lần.
Đối với các khoản nợ thẻ tín dụng, bạn nên chủ động và kịp thời thanh toán nợ trước hạn để bảo đảm điểm tín dụng của mình luôn ở mức độ an toàn và ít rủi ro nhất. Trước khi làm thủ tục đăng ký thẻ mới, bạn nên nắm rõ thời hạn thanh toán mà ngân hàng cho phép. Ngoài ra, để kiểm soát tốt hơn khoản nợ tín dụng của mình và đảm bảo việc thanh toán đúng hạn vào mỗi tháng, bạn cũng không nên dùng gần hết hạn mức chi tiêu cho phép, thay vì đó, nên cố gắng giữ tỉ lệ dư nợ dưới 30% hạn mức tín dụng.
Việc thường xuyên kiểm tra báo cáo tín dụng sẽ giúp bạn cân đối lại chi tiêu của mình, tránh việc xuất hiện những khoản giao dịch bất thường, trồi sụt bất ổn, gây ảnh hưởng đến lịch sử tài chính. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu CIC kiểm tra xếp hạng tín dụng của mình.
Đồng thời, người vay không nên mở nhiều thẻ tín dụng khi chưa có kế hoạch sử dụng và quản lý phù hợp với năng lực tài chính. Khi sở hữu nhiều thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc các khoản nợ có thể sẽ ngày càng tăng cao, dẫn đến khả năng thanh toán nợ sẽ bị giảm đi đặc biệt là trong trường hợp chỉ có 1 nguồn thu nhập hoặc 1 tài sản đảm bảo.
Việc sử dụng nhiều thẻ tín dụng là một điểm trừ trong quá trình đánh giá xếp hạng tín dụng. Sở hữu hơn 2 thẻ tín dụng cũng sẽ gây nhiều khó khăn trong việc cân đối chi tiêu và kiểm soát mức độ tiêu dùng của bạn, đồng nghĩa với việc bạn đang mượn nợ trước và phải chi trả cho hơn 2 nguồn.
Trong quá trình kiểm tra xếp hạng tín dụng, trung tâm CIC cho phép ngân hàng biết được bạn đang sở hữu những thẻ tín dụng nào, trạng thái dư nợ và thanh toán ra sao. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đánh giá hạn mức thẻ. Trong trường hợp chủ thẻ mất kiểm soát chi tiêu thì việc duy trì khoản phí dịch vụ, phí chậm nộp tiền, phí duy trì thẻ, lãi suất chậm thanh toán của 2 thẻ tín dụng sẽ gây rất nhiều khó khăn về mặt tài chính.
Để bảo vệ chỉ số xếp hạng tín dụng của mình, người dùng nên kiểm tra kỹ xem mình đã thanh toán hết dư nợ hay chưa. Điểm tín dụng cũng sẽ sụt giảm nếu bạn đóng thẻ khi còn nợ xấu chưa tất toán. Tất cả các lịch sử tín dụng này đều được CIC xem xét và đánh giá kỹ khi xếp hạng tín dụng, việc đóng thẻ khi chưa tất toán các khoản nợ sẽ dễ dàng đưa bạn vào danh sách “nợ xấu”.
Bên cạnh đó, người vay cần tạo thói quen sử dụng tín dụng tốt, chỉ nên chi tiêu vừa đủ trong khả năng tài chính cho phép của bản thân, trả nợ đầy đủ và đúng hạn chứ không chỉ trả phần hạn mức tối thiểu, đồng thời cũng phải xây dựng kế hoạch quản lý tài chính cho hợp lý.